Vumido - Màu Nhuộm Thực Vật

Làm sao? khi Truyền Nghề thì sợ cạnh tranh lại Salon, không truyền thì cũng lụi bại

Thứ Bảy, 06/08/2022
Anh Đông

Bài học đắt giá từ ông thợ cắt tóc nổi tiếng đất Hà Thành

Suốt những năm tháng cắp sách đi học, cho tới lúc đi làm, tôi hầu như chỉ gắn bó với duy nhất một tiệm cắt tóc nho nhỏ gần nhà nằm ở góc đường vườn hoa Pasteur.

Không phải salon, cũng chẳng có máy lạnh, thứ duy nhất giữ chân tôi ở cửa hàng này chính là phong cách cổ kính, phảng phất phong vị xưa cũ của đất kinh kì. Tại đây, tôi quen anh T. – cũng là người thợ chính cắt tóc cho tất cả khách đến với cửa hàng.

Khách đến với tiệm anh T. cũng toàn là khách quen. Lâu thì cắt ở đây được 5 năm, mới thì cũng phải một, hai năm. Cắt tóc ở đây thú là ở chỗ anh T. ít dùng tông-đơ, hay máy móc gì hiện đại cả. Anh hay cắt bằng kéo.

Có lẽ, cũng vì thế mà có thời người Hà Nội kháo nhau tới đây cắt tóc ùn ùn.

Thấy vậy, nhiều lúc tôi trêu, “Hay là anh truyền nghề cho em đi, em gọi anh là sư phụ”. Anh cười phá lên, “Mang kéo, mang lược ra đây, tôi dạy cậu từ A-Z, sợ cậu chê ấy chứ”.

Tới đây, tôi tò mò hỏi thêm: “Anh truyền nghề đơn giản vậy thôi sao? Em thấy người ta giấu nghề dữ lắm, dễ gì mà cái nghề gan ruột của mình lại đi nói cho người ngoài?”.

Anh T kể, trước khi ra làm tiệm cắt tóc riêng, anh từng là thợ phụ tại một cửa hàng cắt tóc lâu đời bậc nhất Hà Nội. Trước đây, quán mà anh từng làm thuê rất đông khách, người muốn cắt phải phát số đến lượt, bởi ở đó có cây kéo vàng lừng danh đất Hà Thành. Khách đông, thợ cũng đông, nhưng cửa hàng chỉ có duy nhất một thợ chính, cũng là ông chủ của anh T ngày xưa.

“Ông chủ ở đó không truyền nghề cho ai, những người thợ phụ sau vài năm cứ mãi làm việc vặt, chuyển đi hết, anh là người cuối cùng ra đi. Lương ba cọc ba đồng, sống mãi sao được, người ta làm thợ phụ cả đời không nổi, ai mà chẳng muốn thành thợ chính. Cũng vì lẽ đó, ông thợ chính sợ rằng nếu truyền thì người ở dưới sẽ ra làm riêng, ông ấy mất khách”, anh T tâm sự.

Thợ phụ ra đi hết, quán ông chủ cũ của anh T cũng không phát triển được, dần dà, quán cũng thu hẹp dần, giờ chỉ còn 2 vợ chồng ông chủ túc tắc làm với nhau.

“Truyền nghề thì sợ người ta cạnh tranh lại mình, giấu nghề thì cũng lụi bại”

Câu chuyện của ông chủ cũ anh T rất thường gặp trong những cửa hàng lâu đời tại Việt Nam. Đó có thể làm tiệm cắt tóc, hay một cửa hàng bánh truyền thống. Đặc điểm chung đó là những cửa hàng “gia truyền”, với bí quyết chỉ được truyền cho một vài thành viên thân tín trong nhà.

Các gia đình này tin rằng việc nắm giữ bí quyết giúp họ không bị cạnh tranh với các thế lực bên ngoài, giữ vững lượng khách hàng trung thành bên mình.

Tuy nhiên, câu chuyện về cây kéo vàng đất Hà thành năm xưa cũng cho thấy kinh doanh theo kiểu gia truyền này cũng mang lại rủi ro về lụi bại khá lớn, nhất là khi gia đình không có ai kế nghiệp.

Kiểu gì cũng lo thiệt, vậy phải giải quyết ra sao?

“Vấn đề nằm ở chỗ tay kéo vàng – chủ cũ của ông T thực chất đang suy nghĩ theo lối tư duy cạnh tranh. Nghĩa là ông chủ này luôn sợ có một bản sao giống mình, làm tốt như mình và hơn hết là cho rằng bản thân chỉ có ngần ấy giá trị, không thể phát triển hay tiến bộ lên nữa”, Bùi Quang Hùng, Giám đốc truyền thông chuỗi 30Shine, một startup hoạt động trong ngành cắt tóc chia sẻ.

Do đó, ông này luôn mang nặng tâm lý, nếu mình dạy họ, sau này họ giỏi hơn mình thì sao?

Anh Hùng cho biết: “Không chỉ trong ngành tóc, mà rất nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam, “nghệ nhân” hầu như chưa có tư duy làm thầy, mà chỉ dừng lại ở mức làm thợ lành nghề. Nghĩa là bản thân tôi chỉ giữ cho riêng tôi, không chịu chia sẻ với bất kì ai cả, hoặc có chia sẻ nhưng không thật lòng, hay còn gọi là giấu nghề”.

Giám đốc truyền thông chuỗi 30Shine cho rằng, thay vì nghĩ mình dạy người ta, rồi người ta vượt mình, người làm nghề cần hướng tới những giá trị tích cực hơn, ví dụ: dạy người khác cũng là một cách trau dồi lại kiến thức, một lần dạy chính bằng một lần nâng cao tay nghề.

Tư duy cạnh tranh, giấu nghề, đặc biệt là tại Việt Nam chỉ kìm hãm sự phát triển của các ngành nghề thủ công, nghề truyền thống. Người thợ cắt tóc nên hiểu rộng ra, khi truyền nghề cho người khác thì họ sẽ làm thay công việc trước đây của mình. Từ đó, người thợ lại có thêm thời gian nghiên cứu, tìm tòi những điều mới, hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.

“Cắt tóc tốt rồi, anh có thể học cách mở chuỗi, từ một cửa hàng thành hai cửa hàng. Cứ như vậy, anh mới tiến bộ được. Cứ cho là anh truyền nghề, anh lo sợ bị vượt mặt, thì anh lại càng có thêm động lực để học cái mới, để không bị vượt mặt. Còn nếu cứ tính cua trong lỗ, sợ không dám chia sẻ với ai, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, anh Hùng chia sẻ.

Lấy ví dụ ở chuỗi 30Shine, anh Hùng cho biết, đội ngũ của mình có tới 100 thợ chính cắt tóc, nếu ai cũng giấu nghề thì chắc chắn startup sẽ gặp khó khăn. Chỉ có tư duy hợp tác mới giúp cho startup này phát triển thành chuỗi và có thương hiệu như ngày hôm nay.

“Chúng tôi có một nguyên tắc đó là người giỏi phải chỉ bảo cho người kém hơn. Cho đi là để nhận lại, truyền nghề cho anh em bên dưới đồng nghĩa người thợ có 2 lợi ích nhìn thấy ngay. Một là sự tôn trọng của anh em được dạy nghề. Hai là startup hoạt động hiệu quả thì cuối năm anh em đều có thưởng lớn. Nếu hiểu và làm được như vậy, cần gì thợ cắt tóc phải giấu nghề nữa”, Giám đốc truyền thông chuỗi 30Shine khẳng định.

Viết bình luận của bạn
Facebook Vumido - Màu Nhuộm Thực Vật Zalo Vumido - Màu Nhuộm Thực Vật Messenger Vumido - Màu Nhuộm Thực Vật Hotline 0931996000  0931996000